Một chương sách của Pha Lê giúp ta hiểu được sự thật về đường đã từng là gia vị quý giá thời xa xưa. Và con người đã biến đường thành “kẻ thù” của nhân loại như thế nào!

Chẳng có cách ăn gì là “ăn không đường”
Trên đời này, gần như chẳng có cách ăn gì là “ăn không đường”. Đường có mặt ở khắp nơi cũng vì đường là mầm của sự sống. Não chúng ta được cấu tạo để ưa đường cũng vì lẽ đó. Trẻ em đang tuổi lớn vô cùng hảo ngọt do bản năng sinh tồn của chúng rất cao.
Thiếu đường, cơ thể gần như sẽ chẳng có năng lượng để làm gì hết. Ăn không đường tức là không ăn rau củ, không trái cây, không ngũ cốc. Ăn như thế hoài chỉ nhằm mục đích loại đường ra khỏi bữa cơm không chừng sẽ còn chết nhanh hơn là bị bệnh béo phì.

Sự thật về đường thô thời xa xưa
Thời săn bắt hái lượm, loài người nạp đường từ mật ong, trái cây rừng, ngũ cốc. Đến thời làm nông loài người thuần được mía. “Một thứ cây trồng lạ có khả năng cho mật mà không cần ong”. Từ đó loài người có đường thô, làm một mùa trữ dùng quanh năm. Mật ong ngoài đường ra còn bao nhiêu là chất khoáng, chất bổ, chất kháng khuẩn, chất chống oxy hóa…
Đường thô có chuỗi sucrose dài, giàu khoáng và sắt, gọi là “đường phức tạp”. Khi nạp các thực phẩm này vô người, năng lượng sẽ được giải phóng từ từ vì cơ thể còn bận bịu hấp thụ, tiêu hóa đủ thứ khác nữa. Tuyến tụy nhờ vậy mà không cần quá căng thẳng sản sinh ra insulin để chuyển hóa đường. Mọi thứ cứ thế chầm chậm mà tiến.
Sự thật về đường công nghiệp ngày nay
Sau thế chiến II, tàn dư của các công nghệ phục vụ quân đội trở thành các nhà máy sản xuất thực phẩm công nghiệp, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, hạt giống biến đổi gen… Đường tinh luyện được sản xuất ồ ạt từ các loại nguyên liệu rẻ bèo.
Đường vàng, đường nâu sản xuất công nghiệp tuy có màu nhưng chúng không phải là đường thô. Mà là đường trắng trộn thêm chút gỉ mật, phẩm màu. Ngoài ra còn có si-rô bắp, đường glucose, đường fructose, đường maltose,… và những cái tên khoa học phát âm muốn trẹo cả miệng.
Từ đó các hãng nước giải khát, bánh kẹo công nghiệp tha hồ cho các loại đường rẻ bèo này vào sản phẩm của họ. Mới nghe tưởng là nhiều loại khác nhau. Nhưng khi vào miệng thì chúng chẳng có dưỡng chất gì ngoài công dụng tạo ngọt.
Khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng sẽ giải phóng năng lượng cực nhanh và tức thời, y chang sét đánh. Điều này khiến tuyến tụy phải liên tục tiết insulin, dẫn đến rối loạn, sinh ra bệnh tiểu đường. Và nếu cơ thể dùng không hết “năng lượng sét đánh” này, phần đường dư sẽ chuyển thành mỡ thừa, gây ra bệnh béo phì, huyết áp cao, tim mạch…

Nên chọn loại đường nào?
Đọc đến đây thì chúng ta đã hiểu, nếu không muốn bị rình rập bởi các loại bệnh thời đại (béo phì, tiểu đường, tim mạch…) thì phải quay về với cách ăn của người xưa. Những món nuôi trồng, đánh bắt đàng hoàng nghiêm túc sẽ chẳng bao giờ thừa mứa, dư dả. Tới mức chúng ta có thể ăn ngập miệng cho đến khi cơ thể phát bệnh mãn tính cả.