Có quá ít người yêu thích thực phẩm tự nhiên, và số người làm nông nghiệp tự nhiên càng ít hơn nữa. Nếu người ta biết giá trị thực sự của nông nghiệp tự nhiên thì cuộc cách mạng một cọng rơm sẽ trở nên đủ mạnh để dịch chuyển cả thế giới.
Tăng trưởng 0% là một kiểu nền kinh tế ổn định
Ông Masanobu Fukuoka viết: “Tại sao anh phải phát triển cơ chứ? Nếu tăng trưởng kinh tế nhảy từ 5% lên 10%, liệu mức độ hạnh phúc có tăng gấp đôi không? Mà tốc độ tăng trưởng 0% thì có gì sai? Đúng ra, đấy chẳng phải là một kiểu nền kinh tế ổn định sao? Còn có bất cứ điều gì tốt đẹp hơn việc sống giản đơn và xem nhẹ mọi sự nữa?”.
Một cuộc đời không mục đích thì có vô nghĩa hay không?
Ban đầu, con người chẳng có mục đích gì cả. Còn giờ, mơ tưởng ra mục tiêu này mục tiêu nọ. Họ vùng vẫy cố gắng tìm cho ra ý nghĩa cuộc sống. Đấy là cuộc đấu vật chỉ-một-người. Chẳng có mục tiêu nào để người ta phải suy nghĩ về nó hay phải lên đường tìm kiếm cả. Ta cứ hỏi đám trẻ con xem liệu một cuộc đời không mục đích thì có vô nghĩa hay không?!
Nguyên nhân đưa thế giới đến tình trạng khó khăn hiện nay
Ham muốn vô độ của con người là nguyên nhân cơ bản đưa thế giới đến tình trạng khó khăn hiện nay. Sự “phát triển” hào nhoáng này liên quan trực tiếp đến sự sụp đổ đang treo lơ lửng trên đầu xã hội. Nó chỉ có tác dụng chia cắt con người khỏi tự nhiên. Nhân loại phải thôi nuông chiều cho cái ham muốn sở hữu vật chất và lợi ích cá nhân. Thay vào đó, hãy hướng tới nhận thức tâm linh.

Nông nghiệp phải thay đổi bằng “Cuộc cách mạng một cọng rơm”
Nông nghiệp phải thay đổi từ các hoạt động cơ giới cỡ lớn xuống các trang trại nhỏ gắn liền với bản thân sự sống. Đời sống vật chất và chế độ ăn uống cần phải đơn giản đi. Nếu làm được điều đó, lao động sẽ trở thành niềm vui, và đời sống tinh thần sẽ trở nên phong phú hơn. Người nông dân càng tăng quy mô hoạt động thì thể chất và tinh thần của họ càng hao mòn. Và rồi anh ta sẽ càng rời xa một cuộc sống mãn nguyện về tinh thần.
Cuộc sống của người nông dân làm việc quy mô nhỏ có thể trông có vẻ sơ khai. Nhưng trong việc sống một cuộc sống như vậy, chuyện suy ngẫm về Đại Đạo là điều có thể. Nếu người ta thấu hiểu được sâu sắc môi trường xung quanh mình và thế giới thường ngày mà họ đang sống, thì sự kỳ vĩ của vạn giới sẽ được hiển bày.

Chẳng có nơi đâu tốt đẹp hơn thế gian này
Nhiều năm trước đây, ông Fukuoka đã nhận ra rằng con người chúng ta thế nào thì cứ như thế ấy là đã tốt rồi. Và thế là ông chỉ việc tận hưởng cuộc sống của mình. Ông đã chọn một con đường vô lo quay về với tự nhiên, không bị ràng buộc bởi tri thức và sự nỗ lực của loài người. Từ đó tới giờ, cuộc đời ông đã trôi thêm được năm chục năm… Khi xuống ruộng hoặc lên vườn, ông tự nhủ với mình: chớ có hứa hẹn gì cả, hãy quên ngày hôm qua đi, đừng nghĩ về ngày mai. Nỗ lực hết mình vào công việc của từng ngày và không để lại dấu vết nào trên trái đất này hết. Với ông, hạnh phúc chỉ đơn giản là được làm việc vui vẻ trên nông trại của mình. Đó chính là Vườn Địa Đàng…
Đối xử với cọng rơm như một thứ quan trọng
Thời ông Fukuoka còn là một đứa trẻ, có một người đàn ông sống ở gần đèo Inuyose. Dường như tất cả những gì ông ấy làm là chất than củi lên lưng ngựa đi một chặng đường dài chừng hai dặm tới cảng Gunchu. Ấy thế mà ông ta trở nên giàu có. Nếu ta hỏi bằng cách nào, người ta sẽ kể cho ta nghe rằng: Trên quãng đường trở về nhà từ cảng, ông ta đã nhặt nhạnh những cái móng ngựa bằng rơm bỏ đi và phân gia súc bên vệ đường rồi bỏ vào ruộng của mình. Phương châm của ông ấy là: “Đối xử với một cọng rơm như thứ quan trọng và không bao giờ đi bước nào vô ích.” Điều đó biến ông thành một người giàu có.
https://www.facebook.com/groups/cachmangrom
Pingback: Trái đất nhìn từ không gian | Quà Quê