Kể từ lúc đọc được sách “Để con được ốm” của bác sĩ Trí Đoàn, tôi đã biết chăm sóc trẻ nhỏ đúng cách. Và cả nhà tôi không uống thuốc, hiếm khi đi bác sĩ và không nhập viện.

“Để con được ốm”
Có rất nhiều loại siêu vi (virus) khác nhau gây ra bệnh tiêu chảy và cảm-ho-sổ mũi ở trẻ, các đợt bệnh có thể liên tiếp diễn ra và bị hiểu nhầm là bệnh kéo dài. Cha mẹ cần kiên nhẫn chờ đợi cơ thể trẻ tự sản sinh kháng thể để chống lại mầm bệnh, tăng sức đề kháng.
Chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh do virus đúng cách và cách li khỏi môi trường nhiều vi khuẩn để tránh bị bội nhiễm. Trẻ có thể được chích đến 5-7 loại vắc-xin khác nhau trong cùng một ngày.
Trẻ cần được sống trong không gian thoáng và đủ ánh sáng tự nhiên. Người lớn thấy lạnh, trẻ mới thấy mát. Nhiệt độ phòng dưới 25 độ C mới giúp trẻ ngủ ngon.

Chăm sóc trẻ nhỏ đúng cách trong việc ăn uống
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ. Sữa mẹ cung cấp đủ kháng thể cho giai đoạn đầu đời của trẻ, nhưng không phải là thần dược trị bách bệnh.
Thời điểm hợp lý để trẻ bắt đầu ăn gdặm là 6 tháng tuổi, nhưng tuỳ vào mốc phát triển của trẻ mà có thể sớm hơn (4-5 tháng) hoặc muộn hơn (7-8 tháng). Thức ăn thô không gây hại cho dạ dày trẻ, mà còn giúp phát triển kỹ năng nhai. Khuyến khích trẻ tự ăn bốc từ 7-8 tháng tuổi, tự cầm thìa từ 1 năm tuổi.
Cho trẻ ăn khi đói và trong tâm trạng vui vẻ (không Ipad, không tivi). Cho muối và gia vị khác vào thức ăn của trẻ sẽ làm chai các gai vị giác ở lưỡi, giảm cảm giác ngon miệng.
Trẻ cần bổ sung thức ăn giàu sắt từ 6 tháng tuổi, chỉ có thể ăn sữa chua từ 9 tháng tuổi, chỉ có thể uống sữa tươi từ 1 năm tuổi. Nên cho trẻ ăn uống đa dạng hơn là chỉ quan tâm đến sữa. Từ 1 tuổi trẻ không cần sữa bột công thức nữa, nếu cần thiết thì uống sữa tươi ít chế biến. Dùng quá nhiều sữa tươi và các sản phẩm từ sữa sẽ gây thiếu sắt và táo bón.
Chỉ số tăng trưởng của trẻ bao gồm: cân nặng, chiều cao và vòng đầu. Quan sát các mốc phát triển trí não, mốc vận động, giao tiếp của trẻ. Lập biểu đồ tăng trưởng riêng cho con mình, không so sánh với các trẻ khác. Đảm bảo cho trẻ được “ăn ngủ” đầy đủ và phát triển theo “kênh của mình”.

Chăm sóc trẻ khi “biếng ăn”
Càng lớn cơ thể trẻ càng giảm nhu cầu tăng cân. Trẻ không tăng cân thường bị hiểu nhầm là biếng ăn. Cần cho trẻ vận động nhiều để tiêu hao năng lượng và giúp trẻ “thèm ăn”.
Trẻ ăn nhiều, không bị tiêu chảy trong thời gian dài, nhưng không tăng cân thì không phải là kém hấp thu. Mà vì trẻ sử dụng hết năng lượng cho việc vận động và phát triển trí não.
Chỉ bổ sung men tiêu hoá cho trẻ trong trường hợp đường ruột mất vi sinh mà không thể tái tạo lại. Thường là sau 1 thời gian uống kháng sinh trẻ bị tiêu chảy, và sau khi ngưng kháng sinh vài ngày trẻ vẫn còn bị tiêu chảy.
Chăm sóc trẻ nhỏ đúng cách với các bệnh thông thường
TÁO BÓN
Táo bón là triệu chứng giảm số lần đi cầu, phân to, cứng, phải rặn, bị chảy máu do nứt hậu môn. Cần uống nhiều nước và bổ sung chất xơ vào khẩu phần ăn. Không uống quá nhiều sữa bò (nhiều canxi). Không lạm dụng thuốc bơm thụt hậu môn.
NÔN ÓI, TIÊU CHẢY
Đây là phản ứng giúp cơ thể đào thải tác nhân gây bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá và giúp trẻ mau hồi phục. Tuyệt đối không cho trẻ uống thuốc cầm ói và cầm tiêu chảy. Chỉ cần bổ sung nước và khoáng chất bằng dung dịch điện giải (oresol) hoặc nước dừa tươi. Sau vài ngày trẻ sẽ khỏe. Thuốc kháng sinh và men vi sinh không giúp ích gì.
HO, SỔ MŨI, HẮT HƠI
Ho là phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống xuất đờm (virus) ra khỏi đường thở (phế quản) và giúp phòng ngừa viêm phổi. Tương tự như vậy, sổ mũi và hắt hơi (có thể đỏ mắt hay ghèn mắt) cũng là phản xạ bảo vệ đường hô hấp và giúp mau lành bệnh. Thông thường vào ngày thứ 5-6 trẻ ho rất dữ dội (đờm xanh, mũi vàng) đây cũng là lúc trẻ sắp hết ho.
Nếu trẻ chỉ bị sổ mũi và vẫn ăn ngủ tốt, chơi vui thì hãy vệ sinh mũi thường xuyên và chờ trẻ tự khỏi bệnh, có thể đến 2-4 tuần.
Siro hoặc thuốc giảm ho – sổ mũi có thể gây suy hô hấp (nghẹt đường thở) và gây ngộ độc á phiện, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Thuốc kháng histamine (dị ứng) không có tác dụng giảm ho và sổ mũi. Nên cho trẻ uống nhiều nước để giảm cơn ho, trẻ trên 2 tuổi có thể uống mật ong. Nhỏ nước muối và hút dịch mũi. Không xông tinh dầu cho trẻ.

Chăm sóc trẻ nhỏ đúng cách khi SỐT
Sốt là một phản ứng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của mầm bệnh. Xác suất trẻ bị cảm sốt do siêu vi là 99%, chỉ có 1% là do vi khuẩn.
Sốt do siêu vi thường cao khoảng 38-40 độ C, kéo dài 48-72 giờ (sốt xuất huyết 7-10 ngày) và tự khỏi. Không cần uống kháng sinh, chỉ cần nghỉ ngơi, mặc đồ thoáng mát, uống đủ nước (ấm hoặc lạnh đều được, thậm chí trẻ có thể ăn kem). Lau mát, chườm lạnh không giúp hạ sốt mà chỉ làm cho trẻ khó chịu.
Sốt cao hay thấp không nói lên tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Nếu trẻ sốt cao mà vẫn sinh hoạt bình thường thì nên theo dõi tại nhà. Nếu trẻ sốt nhẹ hay hết sốt mà lừ đừ hay li bì thì nên đưa trẻ đi khám ngay. Nếu sốt cao liên tục và có nguy cơ mất nước thì có thể cho trẻ nhập viện để theo dõi và truyền dịch. Chỉ cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ rất quấy, khó ngủ.
Cần đưa trẻ đi khám ngày trong những trường hợp sốt như sau:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi;
- Trẻ lừ đừ, ko uống nước được;
- Thở mệt, thở nhanh, đau tai;
- Co giật;
- Có bệnh nền (tim, ung thư);
- Trẻ 3-4 tháng sốt trên 3 ngày;
Chăm sóc trẻ sốt co giật
Không phải trẻ nào sốt cao cũng bị co giật. Sốt co giật thường diễn ra ở trẻ có cơ địa co giật, 12-18 tháng tuổi, xác suất 2-4% các bé dưới 5 tuổi. Co giật sẽ tự chấm dứt sau 1-2 phút và không ảnh hưởng đến não bộ. Cần giữ cho đường thở của trẻ được thông thoáng (nằm nghiêng 1 bên, đầu hơi thấp). Nếu để dị vật lọt vào đường thở khiến trẻ bị nghẹt thở, gây thiếu oxy não thì sẽ để lại đi chứng xấu.
Không nhét bất cứ thứ gì vào miệng trẻ (trẻ sẽ ko tự cắn lưỡi mình). Và đừng cố giữ trẻ để ngăn co giật. Sau khi trẻ hết có giật thì có thể cho uống thuốc hạ sốt. Nếu sau 5 phút mà trẻ vẫn co giật thì cần đưa đi cấp cứu.
Đề phòng lây nhiễm siêu vi (virus) gây bệnh cho trẻ bằng cách:
- Vệ sinh đồ dùng, đồ chơi;
- Không hôn mặt, hôn tay trẻ;
- Che miệng bằng khuỷu tay khi hắt hơi;
- Rửa tay bằng chất diệt khuẩn trước khi chăm sóc trẻ.
Chỉ uống kháng sinh khi trẻ bị bệnh do vi khuẩn trong những trường hợp sau:
- Tiêu chảy do vi khuẩn kiết lị (phân lỏng có máu);
- Sổ mũi nhiều kéo dài trên 2 tuần, kèm theo sốt cao, lừ đừ;
- Viêm phổi do vi khuẩn: thở ngộp, lừ đừ, phim phổi trắng, chỉ số bạch cầu tăng;
- Viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết beta nhóm A (strepA): amidan sưng to, có mủ mà không đi kèm ho, sổ mũi;
- Viêm màng não (trẻ dưới 3 tháng tuổi hoặc chưa chích ngừa).
VIÊM TAI GIỮA
Bệnh VTG là do dịch tiết ra từ khoang tai giữa không thể đi theo ống thông để xuống họng mà ứ đọng lại trong tai. Gây viêm nhiễm, đau nhức và có thể chảy mủ tai (màng nhỉ bị “xì lỗ mọt”). VTG ko nguy hiểm, sẽ tự khỏi sau 2-3 ngày. Ở tất cả các độ tuổi, trẻ bị VTG không cần uống kháng sinh, có thể uống thuốc giảm đau nếu trẻ quấy khóc.
Chăm sóc trẻ phòng ngừa viêm tai giữa:
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá (kể cả khói thuốc ám trên quần áo người ôm bé);
- Không gửi đi nhà trẻ quá sớm (dưới 1 tuổi);
- Hạn chế bú bình ở tư thế nằm;
- Chích ngừa cúm;
- Rửa tay diệt khuẩn trước khi tiếp xúc với trẻ, không hôn mặt trẻ.
VIÊM DA CHÀM (ezecma)
Chàm là viêm da cơ địa, mãn tính, kéo dài, làm cho da trở nên nhạy cảm. Dễ tái đi tái lại, thường bắt đầu lúc 2-6 tháng tuổi. Có thể thuyên giảm khi dậy thì, cũng có thể theo đến suốt đời. Biểu hiện của bệnh là da khô sần, ngứa, chảy nước. Bắt đầu từ các vết chàm trên mặt rồi đến những nếp gấp (cổ, nách, khuỷu tay, khuỷu chân, cổ chân) hoặc những vùng tiếp xúc với bên ngoài hoặc toàn thân.
Nguyên nhân gây khởi phát chàm:
- Sữa bò và một số loại thức ăn;
- Xà phòng thơm, nước xả vải;
- Đổ mồ hôi;
- Nóng quá, lạnh quá, thay đổi nhiệt độ đột ngột;
- Vải len, thô ráp.
Điều trị chàm:
- Tránh tiếp xúc hoá chất, không dùng xà phòng công nghiệp, hương nhân tạo.
- Bệnh nhẹ – bôi vaselin giữ ẩm, bệnh nặng – bôi corticoid trong thời gian ngắn.
- Nếu trẻ bị chàm kéo dài, cần chăm sóc trẻ đúng cách với các biện pháp dân gian, an toàn
Các quan niệm sai khi chăm sóc trẻ nhỏ
- Tắm lâu, tắm nước lạnh làm trẻ bị cảm;
- Thay đổi thời tiết khiến trẻ bị bệnh (cúm);
- Uống nước lạnh gây viêm họng;
- Uống nhiều Vitamin C giúp mau hết cảm;
- Cảm ko dùng kháng sinh gây viêm tai giữa, viêm phổi;
- Viêm mũi ko dùng KS gây viêm xoang;
- Mồ hôi ướt lưng gây viêm phổi.